Hóa đơn điện tử đang dần thay thế cho hóa đơn giấy truyền thống. Vậy khi lập hóa đơn điện tử cần phải đảm bảo những nội dung gì, quy định ra sao... các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
NỘI DUNG CỦA HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ
Căn cứ theo điều 6 của NĐ 119/2018/NĐ-CP và đ6 của TT 32/2011/TT-BTC, HĐĐT gồm các nội dung:
1. Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn;
- Tên hóa đơn: hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng...
- Ký hiệu hóa đơn: Ví dụ: TU/18E
- Ký hiệu mẫu số hóa đơ: ví dụ: 01GTKT0/001
- Số hóa đơn: gồm 07 chứ số. Ví dụ: 0000007
2. Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
Ghi rõ tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán theo đúng thông tin trên giấy phép kinh doanh.
3. Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế);
Ghi đầy đủ tên, địa chỉ của người mua. Trường hợp người mua có MST thì ghi cả mã số thuế.
4. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hóa đơn giá trị gia tăng;

5. Tổng số tiền thanh toán;
Là tổng số tiền thanh toán của hàng hóa, dịch vụ
6. Chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán;
7. Chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua (nếu có);
8. Thời điểm lập hóa đơn điện tử (ghi rõ ngày tháng lập hóa đơn)
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
9. Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
10. Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và nội dung khác liên quan (nếu có).
11. Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt.
Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.); nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị. Trường hợp không có quy định cụ thể giữa người mua và người bán về ngôn ngữ sử dụng trong việc lập hóa đơn điện tử để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thì ngôn ngữ được sử dụng trên hóa đơn điện tử (hóa đơn xuất khẩu) là tiếng Anh.
Trường hợp sử dụng dấu phân cách là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị để ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải ghi rõ tại Thông báo phát hành hóa đơn điện tử nội dung này.